Doanh Nghiệp Vận Tải Chật Vật Tồn Tại Mùa Dịch Covid-19

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp vận tải đang phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải giảm lương, cho nhân viên nghỉ luân phiên.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thưa thớt hành khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ảnh: Hoàng Minh 18-3

Ngành vận tải cho lái xe nghỉ luân phiên

Do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, người dân hạn chế đi lại nên vận tải hành khách sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Để tồn tại trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp buộc phải đưa ra các giải pháp cắt giảm chi phí.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh taxi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, khi lượng khách tiếp tục giảm mỗi tuần từ 15-18%. Nhiều doanh nghiệp chỉ đạt từ 50-60% doanh thu, so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu dịch bệnh kéo dài chắc chắn lượng khách sẽ còn giảm sâu hơn rất nhiều.

Ông cho biết, có những xe hiện một ngày chỉ chở 2-3 chuyến nên thu không đủ chi, thu nhập lái xe không đảm bảo nên họ nghỉ việc. Trước tình trạng doanh thu giảm, các công ty phải giảm bớt lương nhân viên để chờ dịch qua đi.

Trong thư gửi nhân viên của Tập đoàn Mai Linh, Phó chủ tịch Rahn Wood cho biết, tình hình dịch bệnh kéo dài doanh thu giảm sút là điều không tránh khỏi. Những ngày tới sẽ rất khó khăn, ban lãnh đạo Mai Linh sẽ cắt giảm chi phí, điều chỉnh các chế độ chính sách để phù hợp với tình hình kinh doanh trong mùa dịch.

Tương tự, ở mảng vận tải hàng hóa cũng rơi vào tình cảnh xe nằm phơi mưa nắng ở bãi. Ông Đỗ Xuân Phú,  Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, nói với TBKTSG Online trong nỗi buồn rầu “lượng hàng vận chuyển từ tháng 1 đến nay sụt giảm đến 60%. Doanh nghiệp phải cho lái xe nghỉ luân phiên, các chi phí văn phòng cũng cắt giảm tối đa để tồn tại trong mùa dịch”

Ông cho biết, có chi phí doanh nghiệp chủ động cắt giảm được nhưng có chi phí doanh nghiệp không hoạt động cũng phải trả như phí bến bãi đậu xe; phí bảo trì đường bộ… “Nếu tình hình kéo dài thêm 2 tháng nữa thì doanh nghiệp khó trụ nổi”.

Không chỉ vận tải đường bộ mà đường sắt cũng lao đao và chật vật để tồn tại trong thời dịch bệnh Covid-19. Sau khi dừng 91 đoàn tàu vào tháng 2, đến tháng 3, ngành đường sắt tiếp tục dừng một số chặng như Hà Nội – Lào Cai (tạm dừng từ 19-3). Chặng TPHCM- Đà Nẵng (tạm dừng từ ngày 19-3); chặng TPHCM – Phan Thiết dừng từ ngày 20-3.

Để tồn tại trong thời kỳ dịch bệnh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải giảm 50% giá vé để “kéo” khách đi tàu. Đồng thời, tăng cường tìm các nguồn hàng mới như than, xi măng để vận chuyển nhằm bù đắp thiếu hụt doanh thu ở mảng vận tải hành khách.

Theo kế hoạch khi tình hình dịch bệnh qua đi, ngành đường sắt sẽ chuyển sang khai thác phân khúc các chặng ngắn phục vụ du lịch như Hà Nội – Quảng Bình; TPHCM – Nha Trang; TPHCM- Phan Thiết; Quảng Bình – Huế… để bù lại sự sụt giảm nghiêm trọng do dịch Covid-19 gây ra.

Hàng không cắt giảm lương lãnh đạo

Lĩnh vực hàng không được đánh giá là một trong những lĩnh vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh. Theo tính toán của các hãng hàng không, việc cắt giảm đường bay khiến các hãng thiệt hại tổng cộng 30.000 tỉ đồng doanh thu trong năm 2020.

Trước tình hình sụt giảm doanh thu các hãng buộc phải đưa ra nhiều giải pháp cắt giảm để xoay xở trong mùa dịch.

Đơn cử trường hợp Vietnam Airlines, hãng phải đưa nhân viên tại các văn phòng đại diện ở nước ngoài về nước và chỉ duy trì số lượng nhân viên tối thiểu đảm bảo cho việc khai thác. Đối với một số đường bay quốc tế trước đây khai thác bằng máy bay lớn Boeing 787 và Airbus 350, nay do lượng khách ít nên chỉ sử dụng máy bay tầm trung là Airbus 321.

Về chế độ chính sách, Vietnam Airlines cho phi công người nước ngoài nghỉ không lương khoảng 2 tuần. Đối với người lao động Việt Nam tại nước ngoài nghỉ khoảng 2 tuần đến 1 tháng.

Đối với lãnh đạo cấp cao trong hội đồng quản trị, lãnh đạo tổng công ty sẽ giảm lương 40%; giám đốc các chi nhánh giảm 30%; cấp trưởng phòng giảm 20%, riêng đối với nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên. Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, mục tiêu của hãng bây giờ không phải là lợi nhuận mà làm sao để tồn tại được trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Lãnh đạo các hãng hàng không tự nguyện giảm lương khi doanh thu của hãng giảm do dịch Covid-19. Đồ họa: Lê Anh
Hãng Jetstar Pacific cũng thực hiện giảm lương 40% đối với Tổng giám đốc; các phó tổng giám đốc và kế toán trưởng giảm 30% lương. Thời gian áp dụng từ tháng 3 đến tháng 5-2020.Còn hãng bay tư nhân Vietjet cũng điều chỉnh kế hoạch khai thác các đường bay với quy mô lớn. Doanh nghiệp này cũng tạm thời giảm lương của ban giám đốc 25%; các phó giám đốc giảm 20%;  trưởng phòng giảm 10%…Đối với phi công, mức lương cơ bản sẽ được đảm bảo gắn với giờ bay, tiếp viên sẽ bố trí nghỉ một số ngày trong tháng không nhận lương. Đối tượng nhân viên thu nhập dưới 10 triệu hoặc ở vùng dịch sẽ không bị giảm lương.Một hãng bay tư nhân khác là Bamboo Airways cũng buộc phải dừng đường bay nhánh tới các địa phương, chỉ giữ các đường bay trục chính, cắt giảm số máy bay đang hoạt động. Đồng thời, hạn chế những kế hoạch tiêu tốn ngân sách lớn. Hãng cũng đưa ra quyết định để một số cán bộ nhân viên nghỉ không lương và nghỉ luân phiên. Đồng thời, điều chỉnh thu nhập của những người ở lại cho đến khi thị trường phục hồi.