Ngày 27/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến đối thoại doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển năm 2016.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Đây là lần thứ 4 Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị này, đây được coi là hoạt động thường niên nhằm hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác hiệu quả vận tải biển và cảng biển, dịch vụ hàng hải.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, hội nghị được tổ chức sẽ giúp Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan của Bộ nắm bắt rõ hơn tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển, từ đó đề ra cơ chế chính sách phù hợp, nhất là hiện nay Cục Hàng hải Việt Nam đang dự thảo nhiều thông tư, văn bản liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp hàng hải, từ đó sẽ lấy ý kiến trực tiếp để xem xét điều chỉnh, nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, hội nghị lần này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trong cả nước.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng hợp được 84 câu hỏi và kiến nghị của các doanh nghiệp, bao gồm 30 câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến cảng biển và luồng hàng hải, 18 câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến nhóm vận tải biển, 21 câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến nhóm về giá, phí, lệ phí, 15 câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.
Tại hội nghị, trong số các kiến nghị, nổi lên một số vấn đề như: Nhóm cảng biển: Cơ sở hạ tầng cảng biển, nạo vét luồng hàng hải, hàng hóa tồn đọng tại cảng biển, chính quyền cảng, quản lý và khai thác giám sát quy hoạch cảng biển và nhóm cảng biển….
Nhóm chính sách phát triển vận tải biển, các kiến nghị tập trung vào các chính sách phát triển vận tải biển, đội tàu biển; vốn đầu tư phát triển doanh nghiệp; giải pháp nâng cao thị phần vận tải; đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ thuyền viên; kiểm soát tải trọng phương tiện.
Nhóm về giá, phí, lệ phí: Giá dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, hoa tiêu, lai dắt; phí và lệ phí hàng hàng; giá nhiên liệu; chích sách giảm thuế nhập khẩu cho thiết bị đóng và sửa chữa tàu biển….
Nhóm về thủ tục hành chính, các doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển, thủ tục hải quan, cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước kiểm tra tại cảng để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Về các ý kiến cụ thể tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội vận tải biển Diêm Điền – Thái Bình cho biết, cách đây 2 năm, hiệp hội đã có nhiều ý kiến và đến nay đã được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tháo gỡ như cải cách rút ngọn thủ tục hành chính tại một số cảng biển, qua đó giúp doanh nghiệp giảm được chi phí và thời gian.
Tuy nhiên, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Quốc hội giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% như những năm 2009, 2010 đối với các doanh nghiệp vận tải biển đang gặp khó khăn để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, với lãi suất 18-20% từ năm 2009-2010, cộng cho đến bây giờ thì nhiều doanh nghiệp không thể chịu nổi vì lãi suất quá cao”, ông Trịnh Quốc Đạt có ý kiến.
Ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc một doanh nghiệp tại Thái Bình kiến nghị, do hiện nay tàu được trang bị thiết bị máy móc hiện đại, bên cạnh đó là luồng, tuyến đã được tu bổ thường xuyên, tuy nhiên các quy định về lai dắt, hoa tiêu thì mấy chục năm nay chưa thay đổi.
Vì vậy ông Ngọ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu có thể thu hẹp các trường hợp bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hoa tiêu, lai dắt. Nếu làm được như vậy sẽ giảm được phiền hà và chi phí cho doanh nghiệp.
“Về cảng biển, hiện nay đang thực hiện việc làm thủ tục điện tử đối với tàu vận tải sông pha biển (tàu SB), tuy nhiên doanh nghiệp chưa thể triển khai đại trà được vì hiện một số cảng chưa thực hiện việc kê khai điện tử, dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”, ông Vũ Đức Ngọ cho hay.
Còn theo đại diện Công ty cổ phần cảng Vũng Áng trình bày, trong quá trình thực hiện kiểm soát tải trọng xe tại cảng biển đã xuất hiện những khó khăn như kiểm soát tải trọng hàng hóa đường bộ từ bên ngoài vào cảng.
Ví dụ, nếu hàng hóa xếp từ Việt Nam đi Lào thì cảng chủ động về kiểm soát tải trọng phương tiện, nhưng ngược lại nếu hàng hóa từ Lào về thì theo quy định tải trọng cho phép lưu thông của Lào có thể cao hơn Việt Nam, mà hàng đã được kẹp chì của hải quan, thì những trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?
Vì vậy đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên ngành có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ cho cảng biển.
Tại hội nghị, liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính được nhiều doanh nghiệp quan tâm, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong thời gian tới Cục sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 đối với 15 thủ tục về nhóm cấp chứng chỉ thuyền viên.
“Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện Quy chế vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia, thúc đẩy việc sớm đưa Cổng thông tin điện tử quốc gia vào sử dụng và kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại khu vực, bảo đảm thực hiện “một cửa điện tử” trong giải quyết thủ tục cho tàu thuyền tại cảng biển”, ông Nguyễn Xuân Sang khẳng định.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vân Công cho biết, những kiến nghị của các doanh nghiệp sẽ được các cơ quan của Bộ xem xét tháo gỡ và sẽ trả lời bằng văn bản đăng tải trên Trang thông tin điện tử Bộ Giao thông Vận tải.
Đối với các kiến nghị nằm ngoài thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có những chính sách, giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tạo môi trường kinh doanh công bằng nhất cho các doanh nghiệp./.