Phát triển ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ Logistics. Cụ thể, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể.

Năm 2017, thời gian thông quan hàng xuất khẩu là 105 giờ, hàng nhập khẩu là 132 giờ. Việt Nam cũng đang đứng thứ 39/160 nước về chỉ số hoạt động logistics và đứng thứ 3 trong ASEAN chỉ sau Singapore và Thái Lan… Những yếu tố này đã tạo điều kiện cho DN phát triển, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu; hình thành nên các chuỗi cung ứng logistics toàn diện, đa dạng và ngày càng chuyên sâu hơn, góp phần quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế.

Phát triển ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam - Ảnh 1

Công tác hoàn thiện quy định pháp luật thời gian qua đã được Chính phủ quan tâm. Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, nhất là việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đòi hỏi phải có những quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho ngành Dịch vụ logistics phát triển, đẩy mạnh đầu tư trong nước và hợp tác quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, đề ra 06 mục tiêu, 60 nhiệm vụ cụ thể với nhiều giải pháp toàn diện, nhằm đưa ngành này vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics (có hiệu lực từ ngày 20/02/2018), thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.

Việc ban hành Nghị định này đã bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics như đề ra trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Đây là bước tiến mới trong việc cải cách thể chế liên quan đến ngành Dịch vụ logistics cũng như có các quy định cụ thể về đầu tư phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.

Ngày 06/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành Kinh tế Việt Nam và đây là lần đầu tiên Việt Nam có mã ngành logistics riêng (Mã 52292: Logistics). Ngày 18/07/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông… Chính phủ đã thể hiện rõ cam kết hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.